Tại sao ngồi sau tay lái là vị trí có rất nhiều trách nhiệm, mà người ta vẫn ngủ được? Không chỉ là vì mệt đâu.
Ngủ gật là một viễn cảnh tồi tệ nhất mà bất kỳ ai lái xe cũng không muốn gặp phải, đặc biệt là những người làm tài xế chạy đường dài. Chỉ một chút lơ là thôi, hậu quả gây ra sẽ thực sự thảm khốc.
Ngồi sau tay lái mà buồn ngủ thì rất dễ gây thảm họa
Nhưng vấn đề là tại sao con người ta có thể ngủ được khi đang ngồi sau tay lái? Chẳng phải đó là một vị trí có rất nhiều trách nhiệm, và ai cũng biết rằng hậu quả sẽ ra sao khi ngủ?
Nhiều người cho rằng nguyên nhân có thể là vì lái xe đi quá sớm, ngủ quá ít, lái quá lâu, hoặc vì thiếu cafe nên không thể tỉnh táo. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây, hóa ra lý do không hoàn toàn là như vậy.
Các chuyên gia từ ĐH RMIT tại Úc đã nhận ra rằng bản thân chiếc xe thôi cũng có thể "ru" chúng ta ngủ, kể cả khi trước đó bạn có tỉnh táo thế nào đi chăng nữa.
Cụ thể, mọi chuyện có liên quan đến những rung động xe tạo ra khi di chuyển . Chúng sẽ đem lại cơn buồn ngủ chỉ trong vòng 15 phút ngồi sau tay lái.
Đây thực chất là giả thuyết đã từng được rất nhiều nhà khoa học đề cập. Và để kiểm chứng, các chuyên gia của RMIT đã kết hợp với một số nhà sản xuất xe hơi thực hiện một nghiên cứu. Họ muốn xác minh xem liệu rung động trên xe có đủ để khiến chúng ta ngủ luôn sau tay lái hay không.
"Khi mệt mỏi, ý thức của bạn cũng kém minh mẫn hơn. Và các rung động từ ghế ngồi có thể dễ dàng "thôi miên" não bộ và cơ thể bạn" - trích lời Stephen Robinson, một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu.
"Theo nghiên cứu, các rung động với tần số thấp và ổn định - thứ chúng ta vẫn được trải nghiệm khi lái xe - có thể gây ra cơn buồn ngủ, kể cả với những người đã được nghỉ ngơi đầy đủ".
Nhóm nghiên cứu của Robinson đã làm một thí nghiệm trên 15 người. Các ứng viên sẽ ngồi trong khoang mô phỏng lại quá trình lái xe, và được kiểm tra 2 lần: một lần không rung, và lần còn lại là một độ rung ở tần số thấp, từ 4 - 7KHz.
Robinson đã đo sự thay đổi nhịp tim của các ứng viên trong vòng 60 phút. Chỉ số này còn được gọi là HRV, có thể cho biết cơn buồn ngủ đã đến hay chưa.
Kết quả, cơn buồn ngủ bắt đầu xuất hiện chỉ sau 15 phút với một số trường hợp, còn trung bình là 30 phút. Ngoài ra, các ứng viên ngày càng cảm thấy uể oải hơn cho đến khi thí nghiệm kết thúc.
Để lý giải, các chuyên gia cho rằng não đã tìm cách đồng bộ với độ rung này, và đưa chúng ta vào giai đoạn đầu của giấc ngủ. Với người lái, họ cần tập trung hơn nên không quá dễ ngủ. Nhưng đây là lý do vì sao hành khách đi xe đường dài hầu như ai cũng ngủ cả.
Dĩ nhiên, nghiên cứu cũng có một số hạn chế. Đầu tiên, quy mô của nó khá nhỏ - chỉ 15 người. Và thứ 2, thí nghiệm chỉ dùng một dải tần số khá hẹp.
Dù vậy, xét từ thực tế việc ngủ gật là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, thì rõ ràng nghiên cứu này có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu có tần số gây buồn ngủ, thì hẳn phải có tần số giúp chúng ta thức, đúng không?
Các chuyên gia hiện đang tìm cách thực hiện một nghiên cứu có quy mô lớn hơn, với các dải băng tần rộng hơn - ít nhất là cho đến khi xe tự lái đủ an toàn và phổ biến để chúng ta thoải mái ngủ mà chẳng phải lo nghĩ gì.
"Chúng tôi tin rằng có các rung động với tần số mang hiệu ứng trái ngược. Nó c ó thể thay đổi tần số nhờ vào thiết kế xe chẳng hạn " - trích lời Robinson.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ergonomics.
Theo Daily Mail, Independent/Helino
Post A Comment:
0 comments: