GiadinhNet - Theo các chuyên gia, khi bị hóc, sặc, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ, ngay lập tức cần được sơ cứu kịp thời. Nếu không biết cách xử lý hoặc xử lý không đúng sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu, chịu di chứng suốt đời, thậm chí tử vong.
Sơ cứu đúng cách khi bị hóc là khâu vô cùng quan trọng quyết định mạng sống của người bệnh. Ảnh TL
“Thủ phạm” gây ra nhiều vụ việc đau lòng
Gần đây, liên tiếp những ca hóc dị vật phải nhập viện cấp cứu đã khiến dư luận lo ngại, nhất là đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc rơi vào hôn mê sâu, thậm chí tử vong. Đơn cử, mới đây nhất, một bé gái 11 tuổi sống tại TPHCM đã bị sặc hạt trân châu trong cốc trà sữa dẫn đến nghẹt đường thở và tử vong khi đến bệnh viện. Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cũng đã tiếp nhận trường hợp bé gái 11 tháng tuổi vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, khó thở vì bị hóc thạch rau câu. Dù được cấp cứu nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Cuối tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu cho một bệnh nhi 2 tuổi (quê ở Nam Định) bị hóc khi đang ăn nhãn dẫn đến ho sặc sụa, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện hạt nhãn ngay nắp thanh môn của bệnh nhi vẫn còn lẫn cả cùi. Tuy nhiên, do bệnh nhi không được sơ cứu đúng cách ngay từ đầu nên khi đến bệnh viện đã rơi vào hôn mê sâu, não thiếu oxy dẫn đến tổn thương não và phải sống thực vật sau đó. Cũng theo các bác sĩ tại bệnh viện này, trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi bị hóc hạt chôm chôm. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng tim đã ngừng đập và ngừng thở. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi cũng rơi vào tình trạng hôn mê, tổn thương não do thiếu oxy rất nặng.
Các bác sĩ cho biết, các ca hóc dị vật ở trẻ nhỏ ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, bản thân người trưởng thành cũng có nguy cơ gặp “họa” do hóc hoặc sặc trong quá trình ăn uống hàng ngày. Cách đây không lâu, một cụ ông 87 tuổi, sống tại Tây Ninh đươc gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu vì bị sặc dẫn đến khó thở. Theo người nhà cụ ông này, trước đó, khi cụ đang nhai hạt mít luộc thì bất ngờ bị ho sặc sụa, toàn thân tím tái. Khi vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng đặt nội khí quản cho bệnh nhân và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Tại đây, bệnh nhân được phát hiện phổi phải có dị vật. Sau đó, các bác sĩ quyết định nội soi gắp dị vật cho người bệnh qua nội khí quản. Do hạt mít trơn, lại nằm ở vị trí khó nên các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn, hạt mít được gắp lên, rơi xuống nhiều lần. Phải mất 30 phút, các bác sĩ mới kẹp được hạt mít và kéo ra ngoài theo ống nội khí quản. Ngay sau nội soi gắp dị vật, tình trạng suy hô hấp của cụ ông được cải thiện, bệnh nhân không cần đặt nội khí quản trở lại, ăn uống, trò chuyện bình thường.
Một trường hợp khác, cách đây 1 năm, các bác sĩ Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) đã gắp thành công một hạt hồng xiêm “ẩn náu” gần một năm dưới phế quản của một người đàn ông 47 tuổi ở Nam Định. Theo đó, bệnh nhân đến khám trong tình trạng ho kéo dài và đau ngực phải. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn phế quản, dưới đáy phế quản phải có dị vật. Sau đó, bệnh nhân này được nội soi phế quản, gây mê và gắp ra một hạt hồng xiêm và hút dịch mủ đục xung quanh.
Phòng ngừa và sơ cứu đúng cách khi bị hóc dị vật
Theo BS Phạm Ngọc Toàn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương), đối với các ca hóc dị vật, nếu biết cách xử lý, sơ cứu đúng cách có thể cứu sống được bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không biết cách xử lý hoặc xử lý không đúng dẫn đến hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu, chịu di chứng suốt đời, thậm chí tử vong.
Để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc do sặc, hóc dị vật gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ có con nhỏ phải đặc biệt chú ý khi cho con ăn. Theo đó, cần cho trẻ ngồi đúng tư thế khi ăn, hạn chế cho trẻ nằm ăn. Trong khi ăn, không nên trêu đùa khiến trẻ cười, dễ gây sặc cháo, sữa. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn đồ ăn phù hợp với lứa tuổi. Khi ăn nên đút miếng vừa phải và đút chậm, chờ trẻ nuốt hết thức ăn trong miệng rồi mới đút tiếp. Nếu khi ăn thấy trẻ bị ho, cần dừng lại ngay, đợi trẻ hết cơn ho mới cho ăn tiếp. Ngoài ra, trong quá trình chế biến đồ ăn cho trẻ, cần chú ý làm kỹ các loại thực phẩm có xương và vỏ cứng như cá, tôm, cua… tránh để lại xương, vỏ trong thức ăn, khiến trẻ bị hóc.
Một lưu ý nữa, với trẻ dưới 2 tuổi, không nên để trẻ tự cầm ăn những loại trái cây có hạt, tránh tình trạng trẻ nuốt cả hạt gây hóc. Tốt nhất, ngay từ nhỏ, bố mẹ nên dạy trẻ nhận biết các loại đồ ăn, dạy trẻ biết bỏ hạt khi ăn, nhất là các loại quả gần gũi với trẻ như nhãn, chôm chôm, vải, mít, hồng xiêm…Với những trẻ lớn hơn (trong khoảng 2-5 tuổi), bên cạnh việc để mắt đến trẻ trong vấn đề ăn uống, bố mẹ, thầy cô nên chú ý đến những đồ vật trong nhà và tại lớp học mà trẻ có khả năng cho vào miệng gây hóc. Cụ thể, các loại đồ vật nhỏ như viên bi, cúc áo, đinh vít, viên thuốc… nên được để gọn gàng, xa tầm tay của trẻ.
Đối với người lớn, việc quan trọng trong việc tránh hóc, sặc, nghẹn đồ ăn là kiểm soát được tốc độ trong khi ăn. Không nên ăn vội vàng, nhai chưa kỹ đã vội nuốt. Mặt khác, việc vừa nhai vừa nói chuyện, cười đùa cũng làm gia tăng nguy cơ bị sặc đồ ăn. Với những người cao tuổi, cần hạn chế các loại thức ăn cứng, khó nhai, nuốt để tránh gây hóc.
Trong trường hợp bị hóc, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ, ngay lập tức cần được sơ cứu kịp thời. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), đây là khâu quan trọng nhất quyết định mạng sống của người bệnh. Theo đó, khi bị hóc, người bệnh nên sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich. Thao tác như sau: Đối với trẻ nhỏ, khi bị hóc, cần đặt trẻ nằm úp trên cánh tay của người lớn. Dùng bàn tay còn lại vỗ vào lưng trẻ, vừa vỗ vừa trượt tay lên trên. Lặp lại như vậy 5 lần, sau đó lật nghiêng trẻ lại. Quan sát miệng trẻ xem dị vật/thức ăn đã bị đẩy ra chưa, nếu chưa, dùng tiếp 2 ngón tay để ấn ngực cho trẻ. Những trẻ lớn hơn (5-7 tuổi), bố mẹ đặt con lên đùi và thực hiện thao tác tương tự.
Đối với người lớn, để bệnh nhân đứng thẳng, hướng về phía trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức của người bệnh. Từ phía sau, dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên, làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra ngoài. Lưu ý, động tác cần được thực hiện nhanh và dứt khoát. Sau khi thực hiện thao tác cấp cứu ban đầu, nếu bệnh nhân vẫn trong tình trạng khó thở, tím tái, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Không móc họng hoặc cố nuốt dị vật
Khi bị hóc, sặc, thay vì sơ cứu đúng cách, nhiều người lại có thói quen dùng tay móc họng hoặc dùng vật cứng móc ngoáy sâu vào họng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây trầy xước, dẫn đến các biến chứng viêm nhiễm vùng hầu họng. Bên cạnh đó, nhiều người còn lấy nguyên cục cơm hoặc miếng thức ăn thật to để nuốt với hi vọng “tống” được dị vật xuống. Đây cũng là một việc làm sai lầm vì dễ “gậy ông đập lưng ông”, khiến đường thở bị chặn toàn bộ gây khó thở, thậm chí ngừng thở cho bệnh nhân.
Mai Thùy
Post A Comment:
0 comments: