GiadinhNet – Vào tháng 7 âm lịch, nhiều người đã bắt đầu kiêng kị tháng cô hồn, không dám mua sắm quần áo, đồ dùng, vật dụng đắt tiền...
Kiêng kị tháng cô hồn
Thấy con vợ chồng con trai trưởng giục nhau rút tiền đi mua ô tô, con rể tương lai thì tới rủ con gái út đi xem nhà để mua chuẩn bị đám cưới... thì bà Nguyễn Thị Thoan (Thanh Trì, Hà Nội) ngăn lại, bảo không nên mua sắm đồ nhiều tiền dịp này.
Nghe bà Thoan nói, đám trẻ tròn mắt ngạc nhiên, bởi lâu nay bà vẫn ủng hộ con cái đi làm xa nên mua ô tô, còn cho vay tiền để mua. Còn cô gái út gần 30 tuổi, lúc nào bà cũng giục mau lấy chồng!
Thấy vậy bà Thoan thủng thẳng nói, cả tháng nay mưa gió, bão lũ dầm dề, và từ ngày 2/7 (âm lịch) Diêm Vương cho mở cửa địa ngục để ma quỷ được trở lại trần gian, cả vong hồn lang thang tìm về nhà, bạn bè… cầu mong giúp đỡ để được siêu thoát. Dịp này dương gian thường cúng cháo, gạo, muối, đốt quần áo mới, nhà cửa, ô tô, xe máy, đồ dùng mã… cho ma quỷ dùng và không quấy nhiễu cuộc sống của con người.
Từ xa xưa các cụ đã truyền nhau kiêng kị “không mua sắm, may quần áo, sắm vật dụng đắt tiền mới…” trong tháng cô hồn, bởi quan niệm rằng dịp này chỉ ma quỷ mới có quần áo mới, đồ đạc mới… được đốt.
Ảnh minh họa.
Không chỉ bà Thoan, mà trong dân gian việc kiêng kị mua sắm tháng cô hồn còn “kỹ” hơn, như người có ý định mở cửa hàng, bán mặt hàng mới không chọn khai trương, mở cửa hàng dịp này vì sợ ma quỷ quấy nhiễu, làm ăn không thuận.
Trên các diễn đàn xã hội cũng rôm rả hỏi nhau chuyện kiêng kỵ tháng cô hồn. Các mảng thị trường xe cộ, máy móc, mua nhà, chứng khoán, vật dụng giá trị lớn, giao dịch làm ăn, ký kết hợp đồng, chuyển đổi công việc, tuyển dụng nhân viên, xây dựng, chuyển - sửa nhà... nhiều người tin nên cũng kiêng kị tháng cô hồn vì sợ ma quỷ quấy phá, dễ gặp rủi ro... giao thương vì thế mà sụt giảm mạnh. Thậm chí có nhà đã đặt cọc nhận ô tô, mua nhà trong tháng 7, nhưng đòi sang tháng 8 âm lịch mới nhận và trả đủ tiền.
Giới kinh doanh và gọi tháng 7 âm lịch là tháng làm ăn thấp điểm nhất trong năm, giao dịch gần như “về mo” vì những kiêng kỵ cực đoan, với những hệ lụy khôn lường vì là tháng cô hồn.
Ảnh minh họa.
Vẫn có những ngày đẹp, giờ đẹp lo chuyện lớn
Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), các chuyên gia phong thủy và các nhà tâm linh đều coi trọng các kinh nghiệm kiêng kị trong dân gian, và tháng nào cũng có những ngày, những việc phải kiêng. Nhưng tùy việc, tùy tuổi mà kiêng kị tháng 7 âm lịch, chứ không phải cái gì cũng phải kiêng, hay kiêng tất tật mọi việc không dám làm trong tháng 7 âm lịch.
Xưa tháng cô hồn các cụ kiêng về làm nhà đổ mái, cưới xin, gieo trồng… vì quan niệm là dịp này thời tiết nhiều mưa gió, bão lũ, không thuận cho những việc đó, các trường năng lượng tốt ít đi. Trường hợp bất đắc dĩ thì phải làm thì thường nhờ thầy tâm linh lễ bái, hóa giải.
Theo ông Hà Thanh, những kiêng kị các cụ đúc kết từ kinh nghiệm dân gian tới nay có cái đúng, còn phù hợp thì nên theo. N hưng có những cái không còn phù hợp nữa thì không nên theo.
Không nên cứng nhắc là không làm tất cả mọi việc trong tháng cô hồn. Cũng không phải cứ tháng 7 âm lịch là dừng mọi hoạt động – đó là điều vô lý – và các giao dịch như chứng khoán, ô tô, các hoạt động mua sắm… không liên quan tới tháng cô hồn.
Ảnh minh họa.
Những kiêng kị chỉ là dân gian truyền miệng, còn trong tâm linh tháng cô hồn cũng có những "ngày đẹp, giờ đẹp" để làm những việc cần thiết, quan trọng, hoặc mua tài sản đắt tiền (ô tô, nhà cửa…) và chọn ngày lành, giờ tốt để làm và sẽ thuận lợi chứ không phải bị ảnh hưởng quá đáng sợ như lời đồn.
Việc kiêng kị tuyệt đối và tiêu cực là không nên. Thực tế, tháng cô hồn cuộc sống và các nhu cầu thiết yếu của mọi người vẫn diễn ra, và có "cung" sẽ có "cầu" đáp ứng. Vì vậy các nhà kinh doanh không nên quá kiêng kị tháng cô hồn, nếu muốn yên tâm họ có thể cúng bái, cầu nguyện, làm việc thiện... để được “âm phù, dương trợ” buôn bán đắt hàng.
Tháng 7 âm là thời điểm tốt để mua sắm ô tô, xe máy, vật dụng cao cấp… vì có rất nhiều hãng giảm giá nhằm kích "cầu", người mua có nhiều cơ hội lựa chọn, các hãng đẩy mạnh với các khuyến mại lớn, không phải chịu áp lực về “cầu” tăng cuối năm của đại đa số khách hàng. Nhiều người đã coi tháng cô hồn là thời điểm tốt để mua đồ cao cấp, đắt tiền giá rẻ, lại được nhận hàng nhanh hơn.
Ngay cả việc cưới gả tuy hầu hết kiêng kị tháng cô hồn, nhưng tháng 7 âm các cô dâu, chú rể tương lai lại kéo nhau đi chụp ảnh cưới, bởi các studio thời điểm này cũng khuyến mãi mạnh.
Chuyện kiêng kị tháng cô hồn thì là thói quen tâm lý được lưu truyền trong dân gian rất thiếu cơ sở khoa học, nhưng đôi khi sự kiêng kị của người này lại chính là cơ hội cho người khác.
Còn trong đạo Phật hoàn toàn không có quan niệm kiêng kị, hay quan niệm về ngày tháng tốt - xấu bởi cho rằng “tâm sáng thì ngày nào, giờ nào cũng là ngày tốt”.
Ngọc Hà
Post A Comment:
0 comments: