GiadinhNet - Tháng cô hồn nhiều người kiêng chụp ảnh 3 người, kiêng chụp bà bầu, trẻ sơ sinh, đặc biệt là kiêng chụp đêm vì sợ chụp cả “người âm”… Các chuyên gia lý giải thế nào về những kiêng kị này?
Theo lời khuyên của bác sĩ, các bà bầu không nên kiêng chụp ảnh trong giai đoạn này. Ảnh: A.H
Kiêng chụp 3
Sắp tới khai giảng, bố mẹ đón hai con về thăm bà ngoại ở quê ra để chuẩn bị đi học. Phút chia tay, bà cháu bịn rịn. Thấy vậy, bố bảo ba bà cháu đứng trước nhà để bố chụp ảnh rồi rửa ra treo mỗi nhà một ảnh cho bà cháu nhìn đỡ nhớ. Ba bà cháu đang vui cười đứng vào chụp ảnh thì mẹ xách buồng chuối bà cho từ vườn vào nhìn thấy và nhất định ngăn lại, bảo bố phải đứng vào cho mẹ chụp bởi “tháng cô hồn không được chụp ảnh 3 người vì sợ có chuyện không lành”. Bố bảo mẹ mê tín, nhưng mẹ dứt khoát bắt bố đứng vào chụp cùng.
Dân gian cho rằng, con người ta sinh tại cõi thế đều có cả hồn và vía. Các vía này có vía dữ và vía lành. Do đó, họ tuyệt đối không chụp ảnh con trẻ vào thời điểm mới sinh để tránh trẻ bị giật mình. Theo ông Hà Thành (Viện Nghiên cứu Tiềm năng con người), hiện nay nhiều gia đình trẻ mới sinh con vẫn hay chụp ảnh cả nhà chỉ có 3 người. Đã không có chuyện chẳng lành xảy ra như lời đồn đại trong dân gian. Việc kiêng chụp ảnh 3 người ngày nay đang dần mất, không còn kiêng kị như trước.
Kiêng chụp bà bầu, trẻ sơ sinh
Chị Kim Anh (ở Hà Nội) vào viện sinh con, vì bé quá to nên các bác sĩ phải áp dụng phương pháp sinh mổ. Chị dâu vào viện chăm hai mẹ con. Mỗi khi thấy cháu ọ ẹ, rướn mình đáng yêu quá chị lại chụp ảnh và quay lại làm kỷ niệm những ngày đầu tiên bé ra đời. Nhưng chị Kim Anh không thích chị dâu háo hức chụp ảnh con mình như thế, vì “các cụ kiêng chụp bé sơ sinh vì sợ bị bắt vía”. Chị Kim Anh còn bảo, suốt thời gian mang bầu, chị luôn tránh chụp ảnh vì “vóc dáng không đẹp, vì sợ sinh con ra sẽ bị vô duyên”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Trịnh Yên, Ủy viên Giám đốc Trung tâm UNESCO văn hóa – Dòng họ và gia đình Việt Nam, thời phong kiến việc mang bầu ít được “khoe” với bàn dân thiên hạ. Thậm chí, phụ nữ mang bầu thường loanh quanh việc vặt ở nhà, không mấy khi ra đường. Bởi khi mang bầu, thân thể người phụ nữ thường xồ xề, da mặt xấu, nổi mụn, quần áo mặc không đẹp… nên nhiều chị em không thích lưu lại hình ảnh này. Do đó, việc “không thích chụp ảnh bầu” này đã thêm vào trong những kiêng kị dân gian. Thậm chí, một số người còn không thích nhận lời chúc tụng sớm, mà chỉ khi mẹ tròn con uông mới nhận.
Bác sĩ sản khoa Trương An Hạnh (Nhà Hộ sinh Ba Đình, Hà Nội) cũng là người đam mê nhiếp ảnh chia sẻ, phụ nữ có bầu không cần kiêng chụp ảnh như lời đồn đại. Phụ nữ khi mang bầu cần giữ tâm lý ổn định. Thường xuyên đi kiểm tra thai định kỳ, nhất là 5 tháng bầu bí đầu tiên rất nhạy cảm. Sau thời gian đó, thai kì ổn định mẹ bầu có thể an tâm chụp ảnh chia sẻ, báo tin vui với mọi người.
Việc chụp ảnh trẻ sơ sinh khi ngủ, các nhà tâm linh cho rằng, trước kia người dân không hiểu về kỹ thuật chụp ảnh, sợ chụp ảnh sẽ mất một phần hồn vía của trẻ khiến trẻ hay bị đau ốm, sợ hãi. Thêm vào đó là, máy ảnh xưa dùng đèn chớp sáng cường độ mạnh, bấm máy là nổ bụp và bốc khói– khiến người lớn cũng giật mình, lóa mắt. Còn với trẻ thì chụp ảnh có đèn flash làm ảnh hưởng mắt trẻ, do da, mắt trẻ mỏng không chịu được cường độ ánh sáng flash.
Ngày nay có nhiều loại máy ảnh hiện đại, máy ảnh tích hợp trong điện thoại di động, máy tính bảng… dùng đèn chớp sáng từ xa, chế độ điều chỉnh nhạy sáng ISO giúp chụp dễ hơn nên không nhất thiết phải kiêng chụp ảnh trẻ sơ sinh, nhưng không nên chụp ảnh trẻ dưới cự ly 1m để trẻ không sợ hãi.
Về chụp ảnh trẻ sơ sinh, bác sĩ Trương An Hạnh cho rằng, con là báu vật của cha mẹ, mà báu vật nên hạn chế khoe. Bác sĩ khuyên, cha mẹ có thể chụp ảnh của trẻ sơ sinh làm kỷ niệm, nhưng nên giữ trong máy tính, điện thoại, không nên khoe quá nhiều để tránh bị kẻ xấu lợi dụng thông tin.
Kiêng chụp ảnh ban đêm vì chụp cả “người âm”
Dân gian kiêng chụp ảnh ban đêm, nhất là tháng cô hồn vì cho là dễ chụp cả “người âm” vào ảnh. Theo ông Hà Thanh, kiêng kị không chụp ảnh ban đêm tháng 7 Âm lịch là sự mê tín. Chuyện những vòng tròn ánh sáng mà nhiều người chụp được đã được các nhà khoa học xác định đó là những vòng tròn ánh sáng xuất hiện khi đủ 3 yếu tố nước/sương (giọt nước li ti, hạt mưa); kính (gương) hoặc thấu kính; ánh sáng. Đó là trò chơi hiệu ứng phản xạ quang học đơn giản, phản chiếu khi chụp ảnh có đèn flash, không phải là “bóng vong, người âm” như đồn đoán. Hiện tượng này dễ quan sát nhất vào chập tối có đèn đường, trăng sao, kính bị dính nước, hoặc trời mưa… Các giọt nước mưa đã phản chiếu ánh sáng đèn đường, đèn flash… nhòe đi như mắt mũi, miệng của “người âm”. Ảnh chụp cái mạng nhện lóe sáng như “linh hồn” giăng ngang, dọc.
Đã có những thực nghiệm được một số người làm đó là cho những giọt nước bám trên bề mặt thấu kính, có ánh sáng hắt ra từ phía xa, tùy góc độ máy ảnh với giọt nước mà hiệu ứng ánh sáng, độ nhòe, màu sắc phản chiếu ánh đèn màu khác nhau. Người ta cũng đã dùng những hiệu ứng ánh sáng này để chụp ảnh biến một cái kính lúp thường trở thành 1 loại kính hiển vi, webcam thành kính hiển vi điện tử…
Thế giới tâm linh có nhiều điều con người chưa giải thích được. Với khoa học kĩ thuật hiện đại thì không phải kiêng kị nào cũng đúng và thực sự đã có nhiều kiêng kị không phù hợp với cuộc sống ngày nay. Mọi người hãy tìm hiểu kỹ kiến thức, sống lương thiện để không trở thành người mê tín.
Uyển Hương
Post A Comment:
0 comments: