GiadinhNet – Cả nhà xót xa, ân hận vì mẹ không có được tấm ảnh thờ bởi tháng cô hồn kiêng chụp ảnh...

Biết thế đừng kiêng chụp ảnh tháng cô hồn

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Lại V. Đ. ở Tây Hồ, Hà Nội. Anh kể: Ngày ấy máy ảnh rất hiếm. Khi bệnh mẹ tôi trở nặng, bác sĩ làm thủ tục cho mẹ về nhà để gia đình lo hậu sự, lúc đó cả nhà mới nghĩ tới chuyện tìm ảnh thờ. Nhưng mẹ rất ít chụp ảnh, chỉ có vài kiểu lại chụp với đông người và nước ảnh đã cũ, không có ảnh nào có thể dùng làm ảnh thờ được.

Trời đã tối, nhưng chị gái tôi vẫn gọi điện nhờ bạn có máy ảnh đem đến định chụp cho mẹ. Trong khi các con nâng mẹ dậy mặc quần áo đẹp, thoa tí phấn son cho có sức sống, thì có nhóm các bà hàng xóm biết mẹ vừa về tới thăm. Biết ý định cả nhà đang chuẩn bị chụp ảnh cho mẹ, họ bảo là “trong tháng cô hồn kiêng chụp ảnh ban đêm đấy”.

Ngày nay có nhiều người ban đêm vẫn chụp ảnh. Ảnh minh họa.

Ngày nay có nhiều người ban đêm vẫn chụp ảnh. Ảnh minh họa.

Mọi người nhìn đồng hồ thấy đã sắp 10 giờ đêm của tháng cô hồn, bảo nhau rằng ma quỷ chắc đang lảng vảng rất nhiều ngoài nhà, rất có thể sẽ chụp cùng. Hoặc ánh đèn chụp ảnh ban đêm lóe loạn xạ lên cây có thể làm kinh động đến những vong hồn trú ngụ trên cây… Rồi họ thì thầm kể những tấm ảnh chụp đêm thấy hình bóng ma, thấy những vòng tròn sáng là “bóng vong”… mà không thể lý giải...

Và kế hoạch chụp ảnh mẹ tôi đành dời tới sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, khi chị cả mang nước cháo hầm thịt vào bón cho mẹ thì mẹ đã ra đi. Chị khóc òa lên... Mẹ ra đi khiến cả nhà xót xa. Bố tôi rớt nước mắt bảo, biết thế đêm qua chả kiêng kị tháng cô hồn gì cả, cứ chụp vài kiểu để có ảnh thờ đã. Bố đành thuê thợ về vẽ truyền thần gương mặt mẹ để thờ cúng. Và sau này cả nhà tôi càng xót xa hơn bởi nghe nhiều nhà tâm linh nói kiêng chụp ảnh tháng cô hồn giờ là chuyện vô lý, là mê tín.

Chuyên gia nói kiêng chụp ảnh tháng cô hồn là mê tín

Nói về điều kiêng kị không chụp ảnh ban đêm tháng cô hồn, Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến cho rằng, đó là sự mê tín, do con người ngày nay tự đặt ra, chứ xưa kia các cụ đã có máy ảnh để chụp đâu mà nói các cụ kiêng chụp ảnh tháng cô hồn?

Các cụ cao niên cho rằng, lịch sử nhiếp ảnh cho thấy người Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sang Việt Nam mới đem theo kỹ thuật chụp ảnh đến. Rất nhiều năm sau chỉ có người quyền quý, giàu có mới được chụp ảnh. Máy ảnh ngày ấy rất hiếm, ít phương tiện hỗ trợ để có những tấm ảnh đẹp. Và dù chụp ban ngày thì máy ảnh cũng phải dùng đèn chớp sáng cường độ mạnh, kèm theo tiếng nổ bụp rất to nên ban đêm không thể chụp được ảnh. Có lẽ vì thế mà người ta không chụp ảnh ban đêm, và khi chụp ảnh phổ biến ra dân dã thì bị coi là “kiêng”.

Ngày nay nghề nhiếp ảnh phát triển mạnh, có đủ loại phương tiện hỗ trợ để chụp ngày, chụp đêm, chụp khi sương mù, gió bão, chụp nơi ánh sáng quá mạnh, nơi ánh sáng quá yếu... chụp bất cứ ở đâu môi trường nào cũng chụp được… Thị trường máy ảnh cũng có nhiều loại, từ máy cơ cao cấp, tới máy ảnh kĩ thuật số, hay máy ảnh tích hợp trong điện thoại di động, máy tính bảng… để người không biết gì về nghề ảnh cũng chụp được ảnh.

Lý giải về việc kiêng chụp ảnh tháng cô hồn là vô lý, các nhà tâm linh còn đưa ra ví dụ cụ thể là những năm gần đây trên facebook và các mạng xã hội ngày nào, giờ nào cư dân mạng cũng luôn đưa ảnh mới chụp lên, bất kể ngày xấu, giờ xấu, và cả trong những ngày tháng cô hồn vẫn vô tư đưa lên mạng ảnh mới chụp, đặc biệt là ảnh tự sướng thì tràn lan, tới mức các nhà văn hóa phải kêu lên là giới trẻ thời nay đang lạm dụng đăng ảnh tự sướng.

Vòng tròn ánh sáng trong nhiều bức ảnh. Ảnh minh họa.

Vòng tròn ánh sáng trong nhiều bức ảnh. Ảnh minh họa.

Còn các vòng tròn ánh sáng được coi là "bóng vong" thì không phải như nhiều người nghĩ, và chụp mùa nào cũng có, hiển hiện ở mọi thời gian, không gian chứ không chỉ trong tháng 7 âm lịch. Và những vòng tròn ánh sáng đó là do điều kiện môi trường, độ ẩm, không khí tạo ra, và còn làm nhân tạo được nữa.

Các nhà khoa học đã dùng trò chơi đơn giản vòng tròn ánh sáng để lý giải sự việc này trong những bức ảnh chụp đêm. Theo đó, chỉ cần chọn ngày mưa bụi, hoặc nơi có nhiều bụi, dùng máy ảnh đèn flash tự động vừa chụp vừa dùng bình xịt phun bụi nước trước ống kính. Ảnh chụp xong sẽ có vô số các vòng tròn khác nhau, mật độ vòng tròn phụ thuộc vào mật độ các hạt nước, và không liên quan đến hiện tượng tâm linh.

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA (Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng) cũng từng nói trên các phương tiện truyền thông đại chúng là trên thế giới đã công bố nhiều bức ảnh có “người âm” đứng ở các lâu đài cổ. Các nhà ngoại cảm của UIA cũng đã chụp được ảnh những chiếc thuyền buồm với nhiều đốm sáng xung quanh trong lễ cầu siêu trên sông Lam, và nhiều nơi khác... Nhưng không thể khẳng định được đó là linh hồn, hay là do hiệu ứng của ánh sáng, kỹ thuật chụp ảnh… Thực tế khi ống kính máy ảnh có một hạt bụi cũng tạo ra được đốm sáng, hoặc người chụp run tay, rê tay thì hiệu ứng bức ảnh cũng đã khác… nên không đủ cơ sở khoa học để khẳng định.

Hầu hết các nhà tâm linh đều cho rằng, kiêng kị chụp ảnh ban đêm tháng cô hồn là mê tín. Vì vậy người dân không phải lo sợ việc chụp ảnh tháng cô hồn sẽ có người âm chụp cùng, hoặc chụp phải "bóng vong", hay tuyệt đối kiêng kị chụp ảnh ban đêm trong tháng cô hồn.

Ngọc Hà

Axact

Axact

Vestibulum bibendum felis sit amet dolor auctor molestie. In dignissim eget nibh id dapibus. Fusce et suscipit orci. Aliquam sit amet urna lorem. Duis eu imperdiet nunc, non imperdiet libero.

Post A Comment:

0 comments: